Đảm bảo hài hòa 3 lợi ích

PGS.TS Tô Đức HạnhĐại học Kinh tế Quốc dân - Tạp chí Công Thương
08:13' SA - Thứ tư, 08/05/2019

Chính phủ đã xác định rõ: Xây dựng thị trường xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước; về bản chất, là bảo đảm sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng trong vấn đề giá.

Như vậy, suy cho cùng, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần tập trung làm minh bạch 3 lợi ích này.

Xăng dầu

“Xăng dầu” là một từ phổ thông dùng để nói về 4 mặt hàng sau: Xăng, điêzen, dầu hoả và madút.

Xăng dùng chủ yếu cho các phương tiện giao thông hạng nhẹ: mô tô, xe máy, ô tô, … Mặt hàng này liên quan đến nhu cầu hàng ngày của đông đảo nhân dân, được đông đảo công chúng quan tâm.

Điezel sử dụng cho các phương tiện giao thông hạng nặng và công nghiệp: xe tải, xe khách nhiều chỗ ngồi, tàu hỏa/đường sắt, tàu sông/vận tải sông,…. ; phương tiện, máy móc khai khoáng,..; dệt may,.. khai thác thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp/cây công nghiệp và sản xuất điện,… Dầu hỏa dùng chủ yếu để thắp sáng ở những vùng chưa có điện, có thể sử dụng để đun nấu – nhu cầu ít, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vùng còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, mặt hàng này mang tính xã hội. Madút (còn gọi là nhiên liệu đốt lò) sử dụng chủ yếu để đốt lò (luyện thép, thủy tinh, gốm sứ, nhuộm hấp,…) và vận tải biển (tầu biển, tàu viễn dương).

Đó là nói về lĩnh vực dân sự (tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội). Bên cạnh đó, xăng dầu còn được sử dụng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Như vậy, xăng dầu vừa mang tính thiết yếu, vừa mang tính vật tư chiến lược.

Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến xăng dầu. Vì thế, khái niệm “an ninh năng lượng” chủ yếu nói về xăng dầu.

Tại Việt Nam, nhà nước giao hạn mức (quota) tối thiểu (mà không giao hạn mức tối đa), quy định lượng tồn kho tối thiểu là 30 ngày - cũng là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Cần phải hiểu xăng dầu như vậy, trước khi nói về cơ chế điều hành nó (xăng dầu).

3 lợi ích

Nói về 3 lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, tôi nhất trí quan điểm cho rằng không nên hiểu lợi ích người tiêu dùng bị đặt sau cùng.

“Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng” là một chỉnh thể, có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau.

“Có đủ xăng dầu cho đất nước trong mọi tình huống”, “bảo đảm an ninh năng lượng” - đó là lợi ích lớn nhất, lợi ích chung nhất của nhà nước, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng.

Khi đủ xăng dầu cho các mục tiêu trên, chúng ta không nên quên rằng, để có được “giọt xăng” có nhiều thời điểm phải cần đến sự nỗ lực, phối kết hợp của cả hệ thống trong cả nước.

Chẳng nói đâu xa, ngay đầu năm 2011 đây thôi, khan hiếm cục bộ tại Tây Nguyên đã đặt ra tình huống mà Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phải trực tiếp đến làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk để tìm biện pháp tháo gỡ, bảo đảm đủ xăng dầu cho cây cà phê, cho nhân dân nơi đây.

Lợi ích nhà nước

Nhà nước quản lý/điều hành xăng dầu xuất phát từ lợi ích chung của cả đất nước. Nhà nước không có lợi ích riêng, lợi ích tự thân. Nhà nước thiết lập “sân chơi”, “luật chơi” để các thành viên tham gia, hiện thực hóa mục tiêu hài hòa 3 lợi ích.

Các khoản thuế gián thu và phí (nếu có) từ xăng dầu là để thực hiện các mục tiêu quốc gia. Những khoản thuế trực thu từ xăng dầu, các khoản cổ tức được chia từ xăng dầu cũng được sử dụng vào các mục tiêu quốc gia. Thuế từ dân, từ doanh nghiệp và nhà nước dùng nó để kiến tạo một môi trường ổn định, phát triển của cả nước. Người dân và doanh nghiệp đều có lợi ích của mình trong sự ổn định, phát triển của đất nước.

Như vậy, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần tập trung làm rõ, minh bạch chính sách thuế; bởi thuế là 1 trong 3 yếu tố cấu thành giá bán xăng dầu.

Tôi cho rằng, ổn định thuế hoặc thuế cố định là một đề xuất khách quan, khoa học thể hiện sự minh bạch, tạo lập sự minh bạch.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trường hợp giảm giá đồng thời với tăng thuế xăng dầu thì công chúng phàn nàn về việc sao giá giảm ít thế mà không nhìn thấy thuế đã được khôi phục/nâng lên.

Lợi ích doanh nghiệp

Nói cho cụ thể là lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trong đó, có 2 loại hình chủ yếu: Doanh nghiệp đầu mối (doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu) và doanh nghiệp tiếp tục lưu thông chủ yếu ở khâu bán lẻ dưới hình thức đại lý, tổng đại lý của các doanh nghiệp đầu mối.

Xăng dầu là mặt hàng nguy cơ cháy nổ cao, khó phân biệt được chất lượng bằng mắt thường, cân đong đo đếm cần thiết bị đo lường chuyên dùng… Vì vậy, nó là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Các doanh nghiệp tham gia “sân chơi” xăng dầu cần phải tôn trọng và chấp hành nghiêm túc “luật chơi” chính là ở nhẽ đó.

Các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, địa phương; người tiêu dùng và báo chí cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để “luật chơi” được duy trì cũng là để các điều kiện về kinh doanh xăng dầu được các doanh nghiệp duy trì thường xuyên, đầy đủ.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được lợi ích gì?

Đương nhiên phải bù đắp đủ chi phí và kinh doanh có lãi. Đó là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp.

Trước đây, chúng ta có Luật Doanh nghiệp công ích. Luật này quy định các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được bảo đảm bù đắp chi phí, có lợi nhuận theo định mức.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không phải là doanh nghiệp công ích.

Vậy nên, phải bảo đảm đủ 2 yếu tố đó cho doanh nghiệp là điều cần làm, nên làm, không nên chỉ trích khi doanh nghiệp có lãi nằm trong định mức.

Hiểu đúng điều này là quan trọng khi chúng ta đang hội nhập sâu hơn theo WTO và sắp tới là TPP. Chúng ta đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở cả các cấp độ thăm dò khai thác và khâu chế biến (lọc dầu).

Các nhà đầu tư vào chế biến được quyền thiết lập hệ thống phân phối để bán xăng dầu tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lớn mạnh để cạnh tranh thành công, giữ gìn phát huy thương hiệu Việt.

Về phương diện tài chính, doanh nghiệp còn có bổn phận bảo toàn, phát triến vốn nhà nước giao; bảo đảm lợi ích nhà đầu tư; trong đó, tại các công ty cổ phần xăng dầu - nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở mức cao.

Như vậy, tôi cho rằng, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần bảo đảm 2 điều kiện tối thiểu cho doanh nghiệp là: Bù đắp đủ chi phí (theo bình quân xã hội) và lợi nhuận định mức (để bảo toàn phát triển vốn).

Nghị định có thể thiết kế thành một phụ lục về chi phí bình quân xã hội về kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Bộ Tài chính định kỳ rà soát, hiệu chỉnh, công khai mức phí này để bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và giám sát xã hội.

Đây là yếu tố thứ 2 trong 3 yếu tố cấu thành giá xăng dầu.

Yếu tố cuối cùng trong 3 yếu tố cấu thành giá xăng dầu - nhiều ý kiến đã nêu về giá cơ sở, quỹ bình ổn giá. Thiết nghĩ, ưu/nhược đã công bố rõ ràng để xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Lợi ích người tiêu dùng

Lợi ích người tiêu dùng hiểu đầy đủ và toàn diện gồm các phương diện sau: Có xăng dầu để mua, mua được đủ số lượng mình cần mua, mua được một cách thuận tiện, mua được xăng dầu đúng giá công bố, đúng chủng loại, đúng chất lượng và đủ về số lượng,… Đó là các lợi ích không phải tự nhiên mà có nhưng chúng ta ít khi nói đến.

Lợi ích người tiêu dùng chúng ta hay nói đến là khi giá cả lên/xuống. Đó là điều cũng dễ hiểu bởi nó liên quan trực tiếp đến túi tiền của chúng ta.

Cũng đã có thời kỳ giá xăng dầu thấp đến mức nhà nước phải ban hành giá sàn (giá tối thiểu, năm 1997-1999). Nhưng lúc đó, dầu thô chỉ hơn 10 USD/thùng 157 lít, tỷ giá chỉ xoay quanh 11.500 VND/USD. Hiện nay, giá dầu thô xoay quanh 100 USD/thùng, tỷ giá hơn 20.000 VND/USD.

Đấy là chưa nói đến tính biến động thất thường, khó lường của thị trường dầu thô thế giới ngoài quan hệ cung - cầu còn bị tác động rất lớn của các yếu tố địa chính trị.

Giá dầu thô, sản phẩm của thế giới và tỷ giá đồng nội tệ cấu thành lên giá vốn của xăng dầu. Cái này là khách quan, chúng ta không thể tác động theo ý muốn chủ quan được.

Vì vậy, thích nghi với sự biến đổi - đó là thái độ đúng đắn, tích cực.

Giá xăng dầu mà chúng ta nói đến hàng ngày có 3 thành tố: Giá vốn, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích nhà nước.

Khi nào nói đến giá xăng dầu - chúng ta đều nhớ 3 thành tố này, bình phẩm về nó như nhau; thì như vậy, chúng ta đang thực sự “công tâm, khách quan”.

Cái gì và như thế nào

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương chủ trì biên soạn theo hướng kế thừa và phát huy các ưu điểm của Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15.9.2009 của Chính phủ (NĐ84).

Chúng ta đã có nhiều văn bản và thực tiễn để nghị định sau là một bước tiến bộ hơn so với nghị định trước đó để tiến đến mục tiêu. Mục tiêu của chúng ta là thị trường; nghĩa là, hiện nay đang xây dựng.

Nhận thức này là quan trọng để thấy được sự nỗ lực của chúng ta trong việc kiến tạo “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; để hội nhập thành công.

Trong lộ trình đó, tôi cho rằng: Nghị định mới sau khi được ban hành cần phải được vận hành một cách đầy đủ, toàn diện.

Trong công tác truyền thông thì các cơ quan quản lý, điều hành, doanh nghiệp đầu mối cần phải tập trung chủ động truyền thông về “giá xăng”; bởi “xăng” là mặt hàng thiết yếu, được đông đảo nhân dân quan tâm.

Tôi tin rằng, với yêu cầu minh bạch của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; với sự công tâm, khách quan của công luận, nghị định mới sẽ đi vào cuộc sống theo đúng mục tiêu đặt ra, đáp ứng sự kỳ vọng của cả “Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC)Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốcĐịa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn